Ly hôn hết bao nhiêu tiền là nội dung câu hỏi mà bạn nên tìm hiểu trước khi bắt đầu việc ly hôn.
Thế hệ trước đây, xã hội có định kiến không mấy tốt đẹp với những người bỏ vợ, bỏ chồng. Chính vì vậy, người phụ nữ thường cam chịu, phải sống với người chồng vũ phu, gia trưởng hoặc bị bạo hành thể xác, tinh thần nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Thế nhưng, xã hội ngày nay đã thay đổi nhận thức. Nếu vợ chồng cảm thấy không thể tiếp tục chung sống thì ly hôn. Đó đã là chuyện bình thường mà gần như mọi người còn không bận quan tâm.
Với trường hợp vợ chồng không có tranh chấp về chia tài sản chung thì ít quan tâm tới án phí. Thế nhưng, nếu có tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng hoặc phải thuê tổ chức hành nghề luật sư trợ giúp thì ly hôn hết bao nhiêu tiền lại là nội dung được nhiều bạn quan tâm.
1. Câu hỏi ly hôn hết bao nhiêu tiền
Xin chào!
Tôi có câu hỏi như sau:
Tôi đang muốn làm thủ tục ly hôn với chồng tôi. Vợ chồng tôi đã thống nhất ly hôn nhưng không thống nhất được về tài sản. Vợ chồng tôi có căn nhà ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, giá trị khoảng 4 tỷ. Chồng tôi muốn nhận nhà, còn tôi và con về nhà ngoại. Còn tôi cũng muốn nhận nhà để làm chỗ ở cho mẹ con tôi.
Tôi xin hỏi trường hợp của tôi thì ly hôn hết bao nhiêu tiền.
2. Tư vấn ly hôn hết bao nhiêu tiền
Theo quy định của pháp luật, ly hôn là việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ. Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình có quy định có 02 cách để vợ chồng thực hiện việc ly hôn. Đó là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.
Cơ sở pháp lý: Điều 55, Khoản 1, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Viện dẫn chi tiết như sau:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Như vậy, vợ chồng bạn không thỏa thuận được với nhau về chia tài sản chung của vợ chồng thì đây là trường hợp đơn phương ly hôn.”
Kinh nghiệm thực tiễn, các chi phí ly hôn gồm có:
a) Án phí
Án phí là khoản tiền mà người yêu cầu ly hôn phải nộp cho Tòa án khi Tòa án giải quyết việc ly hôn. Án phí ly hôn được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Theo đó, án phí trong các vụ án hôn nhân và gia đình được chia thành có giá ngạch và không có giá ngạch. Cụ thể:
STT | Tên án phí | Mức thu |
1 | Ly hôn không có giá ngạch | 300.000 đồng |
2 | Ly hôn có giá ngạch | |
2.1 | Từ 06 triệu đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2.2 | Từ trên 06 – 400 triệu đồng | 5% giá trị tài sản |
2.3 | Từ trên 400 – 800 triệu đồng | 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản vượt quá 400 triệu đồng |
2.4 | Từ trên 800 triệu đồng – 02 tỷ đồng | 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản vượt 800 triệu đồng |
2.5 | Từ trên 02 – 04 tỷ đồng | 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản vượt 02 tỷ đồng |
2.6 | Từ trên 04 tỷ đồng | 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản vượt 04 tỷ đồng. |
Lưu ý: Nếu yêu cầu ly hôn được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì vợ chồng phải chịu mức án phí bằng 50% mức án phí nêu trên.
b) Chi phí thẩm định, định giá
Nếu vụ án ly hôn có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng mà vợ chồng không thống nhất được về giá trị tài sản thì Tòa án sẽ tiến hành thẩm định, định giá tài sản. Chi phí thẩm định, định giá tài sản sẽ phụ thuộc vào tài sản cần định giá.
Thông thường, chi phí này dao động từ 5.000.000 tới 20.000.000 VNĐ/một tài sản cần định giá.
c) Chi phí sử dụng dịch vụ pháp lý
Đương sự ly hôn không phải ai cũng am hiểu pháp luật. Chính vì vậy, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, đa số đương sự sẽ sử dụng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư.
Chi phí thuê luật sư tùy thuộc vào từng vụ việc và mức độ uy tín của từng luật sư. Thông thường chi phí này dao động vài chục triệu.

3. Ai phải nộp tiền án phí ly hôn
Điều 147, Bộ luật dân sự 2015 đang có hiệu lực thi hành có quy định trong các vụ án ly hôn, người yêu cầu ly hôn phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.
Trong trường hợp cả hai cùng yêu cầu thuận tình ly hôn thì mỗi người phải chịu ½ mức án phí sơ thẩm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, nghĩa vụ chịu án phí được quy định như sau:
– Vợ chồng trong vụ án ly hôn ngoài việc phải chịu 300.000 đồng tiền án phí không có giá ngạch thì phải chịu thêm án phí của phần tài sản tương ứng với giá trị mà mình được chia;
– Vợ chồng đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi tiến hành hòa giải thì không phải chịu án phí phần tài sản này;
– Vợ chồng phải chịu 50% mức án phí tương đương với giá trị tài sản họ được chia nếu họ không thỏa thuận được tại phiên hòa giải nhưng trước khi mở phiên tòa thì lại tự thỏa thuận được và yêu cầu công nhận trong bản án, quyết định của Tòa.
– Vợ chồng phải chịu án phí với toàn bộ tài sản phân chia nếu chỉ thống nhất được một phần trong phiên hòa giải…
4. Các trường hợp giảm án phí ly hôn
Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Tòa án có thể giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp nếu gặp sự kiện bất khả kháng khiến bản thân không còn đủ tài sản để nộp và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156, Bộ luật dân sự 2015 Đây là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, để được giảm án phí thì vợ hoặc chồng – người có nghĩa vụ nộp phải gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giảm án phí kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện được giảm án phí.
Đơn đề nghị bắt buộc phải có các nội dung:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
– Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
Trên đây là toàn bộ nội dung của Ly hôn hết bao nhiêu tiền.
Khi có tranh chấp về ly hôn, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, các bạn nên tìm tới tổ chức hành nghề luật sư uy tín. Với những luật sư có nhiều năm kinh nghiệm sẽ hỗ trợ bạn giải quyết yêu cầu của mình một cách tốt nhất. Nếu chờ tới khi Tòa án đã xây dựng xong hồ sơ đã tuyên án thì việc kháng cáo để thay đổi bản án là rất khó khăn.
Luật Bảo Nam rất mong được đồng hành cùng bạn!
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ hotline 0987 771 578/0988 619 259.