Tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư

Tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư như thế nào là nội dung mà bạn có thể tìm hiểu, trước khi ứng tuyển hoặc xây dựng Quy chế bầu thành viên BQT tòa nhà chung cư.

Có thể nói, vấn đề nhà chung cư luôn là chủ đề nóng trong những năm gần đây. Với việc thu chi Quỹ bảo trì lỏng lẻo, không có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đã khiến không ít chung cư rơi vào tình trạng thất thoát Quỹ bảo trì. Ngoài ra, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người mua nhà không mấy khi tốt đẹp. Bởi lẽ, chủ đầu tư bao giờ cũng muốn giành lấy những lợi ích cho riêng họ, bất chấp lợi ích của người dân nhà. Trong khi đó, người muốn nhà lại mong muốn nhiều quyền lợi hơn khi quản lý nhà chung cư.

Những vấn đề nêu trên khiến cho việc tìm kiếm thành viên tham gia BQT tòa nhà có tâm huyết, trách nhiệm chung với cộng đồng, có chuyên môn phù hợp với hoạt động quản lý nhà chung cư càng trở lên quan trọng.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư?

Trong nội dung bài viết này, Luật Bảo Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu quy định của pháp luật và thực tiễn tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư.

1. Tư vấn tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư

Cơ sở pháp lý: Điều 20, Thông tư 05/2024/TT-BTP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023. Viện dẫn chi tiết như sau:

“Điều 20. Yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị

1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu và có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị; thành viên Ban quản trị bao gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu không tham dự, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở còn sở hữu diện tích trong nhà chung cư, trừ trường hợp chủ đầu tư dự án không cử đại diện tham gia Ban quản trị.

Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì thành viên Ban quản trị là đại diện chủ sở hữu và người đang sử dụng nhà chung cư.

2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận Ban quản trị theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này thì trong thời hạn không quá 03 tháng, kể từ ngày được công nhận, các thành viên Ban quản trị phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư và được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

3. Khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy, chữa cháy tham gia Ban quản trị. Trường hợp thành viên Ban quản trị là người nước ngoài thì phải là người sử dụng được tiếng Việt trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Ban quản trị.”

Đối chiếu với quy định nêu trên, tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất. Đó là thành viên BQT tòa nhà phải là chủ sở hữu căn hộ chung cư hoặc người sử dụng nhà chung cư (người thuê nhà hoặc người được cho mượn nhà để ở).

Ngoài ra, pháp luật khuyến khích người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật, phòng cháy, chữa cháy tham gia Ban quản trị hoặc bắt buộc thành viên BQT tòa nhà phải tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Tiêu chuẩn như vậy có phù hợp không?

Như đã trình bày phần đầu bài viết, vai trò của thành viên BQT tòa nhà cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tới an toàn trong quản lý, vận hành tòa nhà chung cư, cũng như việc thu chi tài chính của BQT tòa nhà, trong đó có Quỹ bảo trì là khoản tiền 2% giá trị hợp đồng mà người mua nhà phải đóng khi nhận bàn.

Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ nên không thể đưa ra những quy định khác để hạn chế quyền của người sở hữu căn hộ. Chỉ cần đáp ứng là chủ sở hữu căn hộ thì ai cũng có quyền ứng cử thành viên BQT tòa nhà. Bởi lẽ, bất kỳ chủ sở hữu căn hộ nhà chung cư cũng phải đóng Quỹ bảo trì, cũng phải nộp tiền phí dịch vụ hàng tháng như bất kỳ chủ sở hữu nào khác.

Có thể bổ sung thêm các tiêu chuẩn khác không?

Kinh nghiệm thực tiễn, nhiều chung cơ có thể tự đưa ra các tiêu chuẩn của thành viên tham gia BQT tòa nhà như:

  • Hiện đang sinh sống/sử dụng Căn hộ/Diện tích khác có đóng kinh phí bảo trì và là Chủ Sở hữu /người được Chủ Sở hữu ủy quyền hợp pháp (trừ thành viên đại diện Chủ Đầu Tư nếu có);
  •  Từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, không có tiền án, tiền sự;
  •  Khuyến khích người có kinh nghiệm kiến thức về xây dựng, kiến trúc, kỹ thuật, tài chính, pháp luật tham gia Ban Quản trị. Trường hợp thành viên Ban Quản trị là người nước ngoài thì phải là người sử dụng được tiếng Việt trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của Ban Quản trị;
  •  Có tư cách đạo đức tốt, không tham nhũng, hối lộ; có tinh thần xây dựng, tích cực và gương mẫu; vô tư, khách quan; không lợi dụng vị trí thành viên Ban quản trị để trục lợi cá nhân;
  •  Có quỹ thời gian phù hợp tham gia các cuộc họp và/hoặc các buổi làm việc của Ban Quản trị. Cam kết tham gia BQT liên tục ít nhất 12 tháng tính từ khi được bầu, trừ những trường hợp bị bãi miễn và /hoặc thành viên không đủ điều kiện tham gia Ban Quản trị theo luật định, không đủ sức khỏe để hoàn thành công việc Ban Quản trị;
  •  Không có mối quan hệ gia đình như ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, cô, dì, chú, bác, cậu, anh, chị, em với các thành viên khác đang tham gia Ban Quản trị;
  •  Không có bất cứ mối quan hệ cá nhân nào liên quan đến các tổ chức/ đơn vị/ nhà thầu cung cấp dịch vụ cho nhà chung cư;
  • Đồng ý tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư, được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học trong thời gian không quá 03 tháng tính từ ngày được công nhận là thành viên Ban Quản trị.

Vậy theo quy định của pháp luật có được bổ sung các tiêu chuẩn nêu trên không?

Theo đó, chúng ta cần quay trở lại nguyên tắc tổ chức và hoạt động của BQT tòa nhà là một tổ chức tự quản. Khi đã là tổ chức tự quản thì có quyền được làm những gì pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội. BQT tòa nhà là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu căn hộ chung cư nên những nội dung phát sinh nằm ngoài quy định của pháp luật và quy chế hoạt động thì cần phải xin ý kiến của chủ sở hữu trước khi thực hiện.

Vì vậy, nếu muốn bổ sung tiêu chuẩn thành viên BQT tòa nhà ngoài tiêu chuẩn pháp luật quy định thì Ban tổ chức Hội nghị nhà chung cư phải xin ý kiến của chủ sở hữu căn hộ chung cư. Trường hợp, trên 50% chủ sở hữu đồng ý thì mới được bổ sung tiêu chuẩn thành viên BQT tòa nhà.

2. Kết luận

Trên đây là toàn bộ nội dung của tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư.

Lĩnh vực quản lý nhà chung cư là một lĩnh vực mới, đòi hỏi phải có sự am hiểu pháp luật thì hoạt động của BQT tòa nhà mới ổn định, hiệu quả và không xi phạm pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, BQT tòa nhà nên thuê tổ chức hành nghề luật sư uy tín để tư vấn thường xuyên. Chi phí thuê tư vấn có thể trích từ tiền thù lao thành viên BQT hoặc trích từ kinh phí quản lý vận hành tòa nhà.

Nếu được sự tư vấn chính xác, kịp thời từ luật sư có kinh nghiệm, tin rằng hoạt động của BQT tòa nhà sẽ đáp ứng được yêu cầu của chủ sở hữu căn hộ.

Rất mong được đồng hành và tư vấn thường xuyên cho BQT tòa nhà. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ hotline Luật Bảo Nam 0987 771 578/0988 619 259.

Xem thêm: Ban quản trị tòa nhà là gì?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *