Ly hôn với người nước ngoài mất bao nhiêu tiền án phí là nội dung mà bạn nên tìm hiểu, trước khi quyết định việc ly hôn với người nước ngoài, đặc biệt là các vụ việc có tranh chấp về tài sản.
Chắc rằng, đa số các bạn đều biết, khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì phải nộp tiền án tạm ứng án phí. Kết thúc quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sẽ ấn định án phí mà các bên đương sự phải nộp và khấu trừ tạm ứng án phí mà người có yêu cầu ly hôn đã tạm ứng.
Vậy câu hỏi đặt ra là ly hôn với người nước ngoài mất bao nhiêu tiền án phí?
Trong nội dung bài viết này, Luật Bảo Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu và làm rõ câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.
1. Ly hôn với người nước ngoài mất bao nhiêu tiền án phí
1.1. Án phí ly hôn với người nước ngoài theo quy định của pháp luật
Cơ sở pháp lý: Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.
Theo quy định của Nghị quyết, khi ly hôn với người nước ngoài hay không có yếu tố nước ngoài thì án phí ly hôn được xác định theo vụ việc không có giá ngạch. Với yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn (thuận tình hoặc đơn phương) thì án phí là: 300.000 Việt Nam đồng.
Ngoài yêu cầu giải quyết ly hôn, nếu các bên có tranh chấp về tài sản và yêu cầu Toà án giải quyết thì các bên phải nộp án phí có giá ngạch tương ứng với giá trị tài sản mà mình được phân chia. Mức án phí được quy định cụ thể như sau.
BẢNG ÁN PHÍ CÓ GIÁ NGẠCH
TT | GIÁ TRỊ TÀI SẢN TRANH CHẤP ĐƯỢC XÁC ĐỊNH BẰNG TIỀN | MỨC THU |
1 | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2 | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
3 | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
4 | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
5 | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
6 | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
1.2. Các khoản chi phí khác khi ly hôn với người nước ngoài
Ngoài khoản tiền án phí và lệ phí toà án nói trên, tuỳ thuộc vào từng trường hợp tranh chấp cụ thể các bên phải chịu thêm các khoản phí sau:
– Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ (thường áp dụng trong các tranh chấp về tài sản là nhà đất), việc xem xét thẩm định tại chỗ nhằm mục đích kiểm tra, thẩm định giá trị và mô tả hiện trường tài sản tranh chấp trên thực địa.
– Chi phí xác minh định giá tài sản tranh chấp: Nhằm mục đích xác định giá trị tài sản tranh chấp theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự hoặc trong trường hợp các bên không đạt được thoả thuận về giá trị tài sản tranh chấp hoặc Các bên thỏa thuận giá trị tài sản tranh chấp dưới mức giá so với giá thị trường nơi có tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
Thông thường, chi phí thẩm định và định giá tài sản là nhà đất rơi vào khoảng từ 8.000.000 VNĐ tới 20.000.000 VNĐ tùy từng Tòa án và theo từng tài sản cần định giá, thẩm định tài sản.
– Chi phí dịch thuật công chứng và xin xác nhận lãnh sự các giấy tờ tài liệu của nước ngoài.
– Chi phí uỷ thác tư pháp các giấy tờ tài liệu ra nước ngoài.
– Trường hợp các bên sử dụng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư đại diện nộp đơn ly hôn và trợ giúp pháp lý cho các bên trong quá trình Toà án giải quyết ly hôn thì bên yêu cầu phải trả phí tư vấn và thù lao Luật sư. Mức phí do các bên tự thoả thuận với Văn phòng luật sư hoặc Công ty Luật.
1.3. Cách tính án phí ly hôn với người nước ngoài
Thông thường, án phí ly hôn được tính như sau:
+ Trường hợp, các bên thỏa thuận được với nhau trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì án phí được giảm 50%. Mỗi bên chịu một nửa án phí. Trường hợp tại Phiên tòa các bên mới thỏa thuận được với nhau thì vẫn chịu toàn bộ án phí. Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện ly hôn thì nguyên đơn không phải nộp án phí mà nghĩa vụ chịu án phí ly hôn thuộc về bị đơn.
Ngược lại, nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn phải nộp toàn bộ án phí.
+ Đối với án phí về chia tài sản chung của vợ chồng thì mỗi bên chịu án phí tương ứng với phần tài sản được nhận.

1.4. Các trường hợp được miễn tạm ứng án phí, án phí dân sự
Những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 12, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án, bao gồm:
– Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
– Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
– Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
– Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
– Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
1.5. Quy trình đề nghị miễn tạm ứng án phí và án phí ly hôn
+ Bước 1: Người có đề nghị nộp đơn đề nghị miễn tạm ứng án phí và án phí ly hôn
– Người đề nghị miễn tạm ứng án phí, án phí ly hôn phải có đơn xin miễn tạm ứng án phí, án phí dân sự nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn.
– Đơn xin miễn tạm ứng án phí, đơn xin miễn án phí dân sự phải có các nội dung sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
+ Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.
+ Bước 2: Tòa án xét đề nghị miễn tạm ứng án phí và án phí
– Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.
– Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
– Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.
– Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
– Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.
2. Kết luận ly hôn với người nước ngoài mất bao nhiêu tiền án phí
Như vậy, dựa trên quy định của pháp luật và kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ ly hôn với người nước ngoài, Luật Bảo Nam đã giải đáp xong cho bạn câu hỏi ly hôn với người nước ngoài mất bao nhiêu tiền án phí và những vấn đề có liên quan như: Cách xác định án phí, các trường hợp miễn án phí, quy trinh xin miễn án phí.
Có thể nói, ly hôn với người nước ngoài là một trong những thủ tục tố tụng phức tạp mà nếu không nhận được sự hỗ trợ từ luật sư thì bạn thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thậm chí, chỉ để được Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn cũng đã là một công việc có nhiều gian nan.
Nếu không am hiểu và không có nhiều thời gian đi lại, bạn nên sử dụng dịch vụ của đơn vị uy tín để được trợ giúp.
Luật Bảo Nam có hơn chục năm trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ ly hôn với người nước ngoài nên có thể cam kết với khách hàng dịch vụ pháp lý uy tín như sau:
- Tư vấn rõ ràng các quy định của pháp luật về ly hôn với người nước ngoài;
- Hỗ trợ soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ ly hôn với người nước ngoài;
- Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ bằng tiếng nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam nhanh chóng;
- Hỗ trợ nộp hồ sơ ly hôn với người nước ngoài và đề nghị Tòa án giải quyết ly hôn trong thời gian sớm nhất;
- Bảo vệ tối đa quyền lợi khi ly hôn với người nước ngoài.
Thông tin liên hệ
Quý khách hàng cần hỗ trợ vui lòng liên hệ Luật Bảo Nam theo cách thức sau:
- Số điện thoại: 0987 771 578
- Zalo: 0987 771 578
- Email: [email protected]
- Website: Luatbaonam.vn
Luật Bảo Nam hỗ trợ tư vấn miễn phí nên khách hàng hoàn toàn yên tâm, chúng tôi chỉ thu phí thực hiện công việc cụ thể.
Chính vì vậy, nếu quý khách có vấn đề vướng mắc hãy liên hệ qua số điện thoại hoặc nhắn tin Zalo để được hỗ trợ nhanh chóng và tốt nhất.
Bài viết được thực hiện bởi Luật sư Nguyễn Bá Hùng – Công ty Luật Bảo Nam.
Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục ly hôn với người nước ngoài