Đặc điểm, ý nghĩa của định giá tài sản trong thi hành án dân sự theo quy định mới?

Định giá tài sản trong thi hành án dân sự là sự ước tính giá trị của tài sản tại một thời điểm để xác định giá trị của tài sản.Giá trị của tài sản được xác định có thể là giá thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Giá tài sản được định giá trong thi hành án dân sự được xác định là…

1. Đặc điểm của định giá tài sản trong thi hành án dân sự

Định giá tài sản trong thi hành án dân sự là sự ước tính giá trị của tài sản tại một thời điểm để xác định giá trị của tài sản. Giá trị của tài sản được xác định có thể là giá thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Giá tài sản được định giá trong thi hành án dân sự được xác định là giá thị trường tại thời điểm đánh giá tài sản. Theo Khoản 4 Điều 4 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 quy định: Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các nhân tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định.

Giá trị phi thị trường là mức giá ước tính của một tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không phản ánh giá thị thường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế – kỹ thuật, chức năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và các giá trị không phản ánh giá thị trường khác. Giá trị phi thị trường bao gồm: giá trị tài sản bắt buộc phải bán, giá trị đặc biệt, giá trị đầu tư, giá trị để tính thuế hoặc giá trị khác theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 158/2014/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Định giá tài sản được tính bằng hình thái tiền tệ, thông thường đó là đồng Việt Nam đồng hoặc đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên trong thi hành án dân sự hiện nay thì hình thái tiền tệ được quy định đó là đồng Việt Nam đồng. Một trong những nguyên tắc về định giá tài sản trong tố tụng dân sự đó là: Giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam theo Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Điều 92 Bộ luật lố tụng dân sự đã sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về định giá tài sản, thẩm định giá tàisản.

 

 

Trong nghiệp vụ thu, chi thi hành án dân sự thì cơ quan Thi hành án dân sự chỉ thu, chi bằng tiền Việt Nam đồng trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận thu bằng tiền khác hoặc cơ quan Thi hành án dân sự chỉ thu vàng, bạc, ngoại tệ theo bản án, quyết định của Tòa án theo khoản 3 Điều 16 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. Do vậy, khi tiến hành định giá tài sản Chấp hành viên hoặc tổ chức thẩm định giá xác định giá khởi điểm của tài sản chỉ bằng Việt Nam đồng.

Việc ước tính giá trị tài sản phải đặt tài sản trong một thời điểm nhất định với những điều kiện nhất định (KT-XH, khuôn khổ pháp lý, quan hệ cung cầu, thời gian, địa điểm…)Định giá tài sản luôn theo yêu cầu, mục đích nhất định. Trong thi hành án dân sự, việc định giá tài sản theo yêu cầu của Chấp hành viên hoặc đương sự nhằm xác định giá khởi điểm để đưa tài sản kê biên ra bán đấu giá, xác định lại giá trong trường hợp có biến động về giá đối với trường hợp chia tài sản hoặc xác định giá để có cơ sở thu phí thi hành án. Định giá tài sản luôn phải tuân theo những trình tự, thủ tục theo pháp luật thi hành án dân sự quy định. Các trình tự, thủ tục về định giá tài sản thi hành án dân sự bao gồm thỏa thuận giá tài sản, thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, về quyền yêu cầu định giá lại tài sản, thỏa thuận về mức giảm giá tài sản của đương sự; các trường hợp xác định giá tài sản của Chấp hành viên.

 

2. Ý nghĩa của pháp luật về định giá tài sản trong thi hành án dân sự

Định giá tài sản là một khâu rất quan trọng trong hoạt động thi hành án dân sự. Hoạt động định giá tài sản được thực hiện sau khi tài sản thi hành án đã được kê biên và đưa ra xử lý theo pháp luật thi hành án dân sự.Theo Luật thi hành án dân sự, định giá tài sản bao gồm các thủ tục thỏa  thuận giá tài sản, thỏa thuận tổ chức thẩm định giá, định giá lại tài sản và giảm giá tài sản. Mỗi một giai đoạn liên quan đến định giá tài sản đều có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động thi hành án dân sự.

2.1 Định giá tài sản là căn cứ để xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên để thi hành án

Trong công tác thi hành án dân sự, một trong những nguyên tắc rất quan trọng không chỉ được quy định trong Bộ luật dân sự mà còn được quy định trong pháp luật thi hành án dân sự, đó là nguyên tắc thỏa thuận sự định đoạt của các đương sự. Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được côngnhận”.
Việc tôn trọng thỏa thuận của các đương sự được thực hiện xuyên suốt quá trình thi hành án. Tuy nhiên, khi các đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được thì Chấp hành viên là người được Nhà nước trao quyền (Điều20 Luật THADS) thực hiện các biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Một trong những biện pháp cưỡng chế thường được áp dụng khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án đó là biện pháp kê biên tài sản để thi hành án. Để đưa tài sản kê biên ra bán đấu giá thì phải tuân thủ một thủ tục rất quan trọng đó là định giá tài sản kê biên. Việc định giá tài sản kê biên rất quan trọng trong quá trình giải quyết thi hành án của Chấp hành viên. Đây là thủ tục quan trọng trong quá trình giải quyết thi hành án. Theo Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định: Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.

2.2 Định giá tài sản là căn cứ để bán đấu giá tài sản tại các cơ quan bán đấu giá

Việc xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên là căn cứ để Chấp hành viên thực hiện ký hợp đồng bán đấu giá với các tổ chức bán đấu giá tài sản. Đây cũng là cơ sở để các tổ chức bán đấu giá thông báo bán đấu giá tài sản thi hành án theo quy định.

2.3 Định giá tài sản là căn cứ xác định giá tài sản để thu phí thi hành án

Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự, khi người được thi hành án nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án thì phải nộp phí thi hành án. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của người được thi hành án. Điều 60 Luật Thi hành án dân sự quy định: Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự.
Tuy nhiên trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự có nhiều trường hợp người được thi hành án đã nhân tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng vẫn không tự nguyện nộp phí thi hành án. Để giải quyết trường hợp này, pháp luật về thi hành án dân sự quy định: “Trước khi giao tài sản ít nhất 15 ngày, tổ chức thu phí thông báo số tiền phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp theo quy định. Quá thời hạn trên, người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để đảm bảo thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả. Việc định giá, định giá lại tài sản và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án”. Theo khoản 4 Điều 46 nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự và theo điểm b khoản 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu , chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dânsự.
Pháp luật về thi hành án dân sự cũng quy định trường hợp cơ quan thi hành án phải định giá tài sản khi tài sản mà người được thi hành án nhận có biến động về giá để làm căn cứ thu phí thi hành án. Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị tài sản hoặc có tuyên nhưng tại thời điểm thu phí không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường thì tổ chức thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án dân sự mà người được thi hành án phải nộp. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí thi hành án dân sự được để lại, theo điểm b khoản 4 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu , chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.

2.4 Định giá tài sản là căn cứ để xác định giá trị tài sản trong trường hợp cấn trừ tài sản để THA

Trong công tác thi hành án dân sự, không phải lúc nào tài sản kê biên cũng đưa ra bán đấu giá hoặc không phải lúc nào đương sự cũng không tự nguyện thi hành án. Có trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án đối với thi hành án là khoản tiền nhưng đương sự không có tiền để thi hành án. Họ tự nguyện giao nộp tài sản tương ứng để thi hành giao cho người được thi hành án để cấn trừ nợ. Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải cho các bên đương sự tự thỏa thuận về giá tài sản. Khi các bên không đạt được sự thỏa thuận về giá tài sản thì Chấp hành viên phải tiến hành định giá tài sản để thi hành án.

2.5 Định giá tài sản là căn cứ để bảo vệ quyền lợi đương sự trong thi hành án dân sự

Thông qua hoạt động định giá tài sản, đương sự biết được giá trị tài sản để họ có căn cứ thỏa thuận thi hành án, thỏa thuận cách thức xử lý tài sản hoặc sử dụng quyền yêu cầu định giá lại tài sản của mình để đảm bảo một cách chính xác nhất giá trị tài sản thi hành án tại thời điểm định giá là giá trị trường chuyển nhượng để có cơ sở thi hành án.
Tóm tại, định giá tài sản là một thủ tục, nghiệp vụ rất quan trọng trong quá trình giải quyết hồ sơ thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục định giá tài sản. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng trong công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, hướng dẫn. Trước khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực, một thời gian khá dài thủ tục định giá tài sản là một trong những thủ tục gây nhiều điểm nghẽn nhất trong công tác thi hành án dân sự, làm chậm quá trình xử lý tài sản kê biên như pháp luật chưa quy định rõ số lần yêu cầu định giá lại tài sản kê biên của đương sự, thủ tục niêm yết hai lần đối với tài sản bán đấu giá, quyền thỏa thuận mức giảm giá tài sản của đương sự.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *